TT - Vấn đề hạn chế sử dụng túi nilông đã được giới chuyên gia môi
trường và một số tổ chức ở VN đặt ra từ vài năm gần đây. Đến nay đã có
một số giải pháp thiết thực ở TP.HCM và Hà Nội.
Các thành viên câu lạc bộ Go Green và túi sinh thái - Ảnh do CLB Go Green cung cấp
Một bộ phận người dân được hỏi ý kiến đều cho hay có biết những tác
dụng ngược của túi nilông, nhưng không thể không sử dụng vì chưa có thứ
nào khác thay thế hữu hiệu. Trong khi đó, một bộ phận khác đông hơn cho
rằng túi nilông đã qua sử dụng cũng chỉ là một loại rác và chuyện “hậu
sự” của nó như thế nào đã có ngành môi trường lo liệu.
Thay thế bằng túi nilông sử dụng nhiều lần
Theo TS Lê Văn Khoa - giám đốc Quỹ Tái chế chất thải TP.HCM, kết quả
khảo sát do đơn vị này thực hiện cho thấy nguyên nhân chủ yếu dẫn đến
sử dụng quá mức túi nilông là do thói quen và chưa nhận thức đầy đủ về
tác hại của túi nilông. Do đó, kế hoạch thực hiện giảm thiểu sử dụng
túi nilông mà Sở Tài nguyên - môi trường vừa trình UBND TP có mục tiêu
định hướng rất rõ: người bán lẻ và người tiêu dùng cần giảm sử dụng
loại túi xốp dùng một lần vốn rất phổ biến tại các chợ, trung tâm
thương mại, siêu thị. “Nếu chuyển từ túi nilông sử dụng một lần sang
các loại túi dễ phân hủy dùng một lần khác thì hiệu quả không đáng kể,
nhưng nếu chuyển sang các loại túi sử dụng nhiều lần thì chắc chắn sẽ
có tác dụng tiết kiệm tài nguyên, năng lượng và hạn chế hệ lụy về môi
trường” - ông Khoa nói.
Bà Trần Thị Thanh Thủy - phụ trách truyền thông của Metro Cash &
Carry VN - cho biết từ tháng 9-2007 đến nay, các loại túi sử dụng nhiều
lần đưa vào thay thế túi nilông sử dụng một lần đã được khách hàng chấp
nhận. Theo đó, khách sẽ mua các loại túi sử dụng nhiều lần được bán tại
siêu thị để đựng hàng hóa, thay vì được phát miễn phí túi nilông như
trước đây. “Sau hai tháng thử nghiệm để khách hàng làm quen, từ tháng
11-2007 hệ thống siêu thị của chúng tôi không còn sử dụng túi xốp nữa”
- bà Thủy nói.
Riêng các siêu thị của hệ thống Co-op Mart tuy chưa chuyển sang túi sử
dụng nhiều lần nhưng cũng đã có hẳn chương trình vận động nhân viên và
khách hàng sử dụng tiết kiệm túi nilông với khẩu hiệu “Tiết kiệm bao bì
là bảo vệ môi trường”. Ông Đỗ Minh Khoa, giám đốc siêu thị Maximark Ba
Tháng Hai (quận 10), cho biết từ cuối năm 2007 siêu thị này đã tìm tới
giải pháp hạn chế dần túi nilông và thay bởi túi bằng vật liệu tự hủy
do Công ty cổ phần Văn hóa Tân Bình sản xuất. Hiện đơn vị này đang có
kế hoạch đánh giá lại hiệu quả của giải pháp này vì giá thành cao và
cũng nhận được vài ý kiến từ phía khách hàng cho rằng chất lượng không
bằng túi nilông.
Túi sinh thái
Tại Hà Nội, một sản phẩm mang tên túi sinh thái đã được “chào hàng” với
mục đích thay đổi dần thói quen sử dụng túi nilông trong cuộc sống hằng
ngày. Những bạn trẻ trong đồng phục màu xanh đến gõ cửa các công ty với
nụ cười thân thiện. Họ là những thành viên trong ban thông tin của câu
lạc bộ Go Green - Hành Trình Xanh, có nhiệm vụ tuyên truyền chiến dịch
sử dụng túi sinh thái.
Một thành viên trong câu lạc bộ Go Green khẳng định túi sinh thái không
dùng để bán, mà chỉ được coi là sản phẩm trao đổi thu lại giấy vụn từ
khối văn phòng nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Ngô Minh Hương - một thành viên câu lạc bộ Go Green, cho biết những túi
này được làm từ chất liệu rất thân thiện với môi trường như vải đay,
gai..., không sử dụng thuốc tẩy trắng hay hoá chất tạo màu và có thể
tái sử dụng nhiều lần. Đây cũng là sản phẩm đa năng, có thể dùng đi
học, đựng đồ khi đi làm, mua sắm hay trong những chuyến picnic cùng bạn
bè... đặc biệt sau vài lần sử dụng có thể giặt ủi lại. Phó chủ tịch câu
lạc bộ Go Green Trần Xuân Việt nói: “Thân thiện với môi trường chưa đủ,
điều quan trọng là những túi này phải chiếm được cảm tình của người sử
dụng để thói quen dùng túi nilông mất dần và túi sinh thái trở thành
vật dụng thường ngày”.
Theo câu lạc bộ Go Green, gần hai tháng (bắt đầu từ tháng 1-2009) tiếp
cận với cộng đồng, hàng trăm văn phòng đã tự nguyện đăng ký sau khi
nhận được thông tin từ chiến dịch túi sinh thái. Hàng loạt công ty như
Toyota VN, IBM VN, Elcom, Hải Lâm, Nhật Việt và các cơ quan trực thuộc
Bộ Tài nguyên - môi trường đã khuyến khích cán bộ văn phòng sử dụng
loại túi này. Với mức quy đổi 5kg giấy vụn đổi một túi sinh thái, Go
Green đã phát ra hơn 300 túi và sản phẩm này đã có mặt tại 35 văn
phòng, công ty.
Theo lãnh đạo câu lạc bộ Go Green, giai đoạn 1 của chiến dịch túi sinh
thái chỉ hướng tới giới cán bộ khối văn phòng, công ty, nhưng bắt đầu
từ giai đoạn 2 sẽ thực hiện mở rộng cả đối tượng sử dụng túi và khu vực
cung cấp túi.
Anh Việt cho biết ở giai đoạn 2 của chiến dịch túi sinh thái (bắt đầu
từ cuối tháng 3-2009), sản phẩm này sẽ được cải tiến thành túi đa năng
với nhiều chất liệu, kiểu dáng đa dạng, người sử dụng có thể thoải mái
lựa chọn... đeo, mang, xách tùy ý. Ngoài ra, trên mỗi túi sẽ được in,
thêu kèm theo những thông điệp ngắn: “I am eco” (tôi là sản phẩm sinh
thái), “I am not nylon” (tôi không phải túi nilông) và nhiều hình thù
đáng yêu khác nhau. Theo anh Việt, việc cải tiến này góp phần tạo tâm
lý thoải mái, vui vẻ cho người sử dụng, chứng minh rằng họ là người
tiêu dùng hiện đại, thân thiện với môi trường.
Theo đó, giai đoạn này sẽ có 50.000 túi sinh thái được tung vào hệ
thống các siêu thị Big C, Hapromart, 24h. “Túi sinh thái trong giai
đoạn này sẽ được phát hoàn toàn miễn phí, người sử dụng chỉ cần làm một
bản cam kết nho nhỏ với nhà cung cấp và sau đó tự do lựa chọn túi cho
mình... kèm theo sẽ có một bàn thông tin hướng dẫn sử dụng túi đặt
trong siêu thị” - anh Việt khẳng định.
Chủ tịch câu lạc bộ Go Green Nguyễn Thanh Hải khẳng định cùng với chiến
dịch sử dụng túi sinh thái, Go Green còn vận động thành lập những văn
phòng xanh thân thiện với môi trường. Thành viên của Go Green sẽ liên
hệ với các công ty rồi đặt bảng thông tin, phát tờ rơi, dán apphich tại
những vị trí bắt mắt trong văn phòng: cửa ra vào, cầu thang, hành lang.
Câu lạc bộ Go Green được thành lập tháng 6-2008 với khoảng 100 thành
viên nhưng đến nay đã lên gần 1.000 người, hầu hết là các bạn trẻ, học
sinh, sinh viên trên toàn quốc. Theo lãnh đạo câu lạc bộ, túi sinh thái
chính là sản phẩm do Toyota VN - đơn vị đỡ đầu của Go Green - cung cấp.
Lãnh đạo câu lạc bộ này cũng cho biết toàn bộ số giấy vụn thu gom được
sẽ chuyển về các cơ sở tái chế, tiếp tục cho ra đời những sản phẩm giấy
mới hoặc sẽ được mang bán để đầu tư chi phí việc sản xuất túi sinh thái.
Không thể nói miệng!
Theo Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM, để giúp người dân thay đổi thói
quen sử dụng túi xốp dùng một lần rồi bỏ thì cần triển khai một chương
trình tuyên truyền rộng rãi qua hệ thống thông tin đại chúng, website,
tờ rơi về những tác hại của túi nilông. Bên cạnh đó, một chương trình
vận động tương tự cũng sẽ được triển khai nhắm vào các nhà bán lẻ thông
qua Hiệp hội các nhà bán lẻ, Sở Thương mại, Hiệp hội Doanh nghiệp.
Cụ thể, các hệ thống siêu thị lớn như Co-op Mart, Maximark, Citimart,
Big C được vận động cam kết giảm thiểu lượng túi nilông phát cho khách
hàng. Sở Tài nguyên - môi trường cũng đề xuất tổ chức mạng lưới thu gom
túi nilông ở nơi công cộng, siêu thị. Đồng thời khuyến khích các doanh
nghiệp sáng chế và quảng bá đến người tiêu dùng những sản phẩm túi đựng
hàng thân thiện với môi trường. Về lâu dài, Nhà nước cần tính tới việc
có quy định thu thuế sử dụng túi nilông và cấm phân phối miễn phí túi
nilông cho người tiêu dùng.
TS Nguyễn Văn Quán, trưởng khoa môi trường và bảo hộ lao động ĐH Tôn
Đức Thắng TP.HCM, cho rằng chỉ hạn chế người dùng thôi chưa đủ mà cần
thiết phải hạn chế ngay từ khâu sản xuất. Bởi lẽ các nhà sản xuất vì
chạy theo lợi nhuận nên sẵn sàng chiều theo những sở thích không đúng
của khách hàng, cốt sao bán được càng nhiều càng tốt. Theo ông Quán,
nếu không kiểm soát được chủng loại, kích cỡ, số lượng túi nilông được
sản xuất và bán trên thị trường thì khó lòng ngăn được người dân “đem
rác về nhà”.