"Nền tảng văn hóa đi liền với bản lĩnh. Đó là khả năng giao tiếp - ứng xử, khả năng trò chuyện, khả năng nói không và từ chối... Cạm bẫy vẫn giăng đầy nhưng chính bạn phải tỉnh táo để từ chối thì đó là cái "phông" vững chãi nhất...", tiến sĩ Tâm lý học Huỳnh Hồng Sơn chia sẻ.
Có duyên với giới truyền thông khi những kinh nghiệm về việc nghiên cứu ứng xử đã tạo cơ duyên với ông khi ông trở thành giám khảo của nhiều cuộc thi có liên quan đến sắc đẹp, người mẫu như: Nét đẹp sinh viên Thành phố, Hoa khôi sinh viên, Nét đẹp sư phạm, Bộ đôi năng động, Người mẫu tuổi teen, Ngôi sao tuổi teen, Hot Vteen và một số cuộc thi Hoa hậu gần đây...
Không dừng ở đó, với tư cách là cố vấn cho một vài công ty, trung tâm đào tạo để hướng dẫn các người đẹp tham gia một số cuộc thi quốc tế (Hoa hậu thế giới, Hoa hậu hoàn vũ)... TS Huỳnh Văn Sơn, Chủ nhiệm Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TP HCM chia sẻ đánh giá về nghề người mẫu dưới góc nhìn tâm lý xã hội...
- Hiện nay có rất nhiều bạn trẻ theo đuổi nghề người mẫu. Nhưng thực tế nghề người mẫu không có nhiều đất sống. Thưa Tiến sỹ, theo anh đâu là nguyên nhân của hiện tượng cung nhiều cầu ít này?
- Đây là hiện tượng có thật vì thực tế cho thấy những chương trình chuyên biệt dành cho người mẫu biểu diễn quá ít. Các chương trình thời trang lớn có phần hạn chế do những tác động về mặt kinh tế. Những chương trình biểu diễn thông thường ở sân khấu cũng không còn được thực hiện. Những event cũng vắng bóng việc biểu diễn thời trang của nhóm người mẫu mà thay vào đó là việc một vài khách mời có danh là người mẫu nổi tiếng vẫn được ưu tiên. Thực tế này hết sức đáng để lo lắng. Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận rằng vẫn có những người mẫu thực sự sống bằng nghề. Dưới góc độ tâm lý xã hội, thì bất kỳ nghề nào cũng cần người làm nghề chuyên nghiệp và sống chết với nó. Cho nên những ai chỉ xem nghề người mẫu như cuộc dạo chơi hay thử nghiệm thì khó có thể sống và trụ vững với nghề...
- Nhiều bạn trẻ cho rằng, việc đến với nghề người mẫu là khá dễ dàng. Chỉ cần một chiều cao, không có khuyết điểm về cơ thể và một gương mặt dễ nhìn là có thể bước vào con đường này. Và đó là dấu hiệu của một bi kịch báo trước, phải không anh?
- Đây có thể là quan niệm sai lầm vì bất cứ nghề nào cũng cần những tố chất. Nhưng tố chất thôi vẫn chưa đủ mà cần sự say nghề, cần bản lĩnh nghề nghiệp và cần lắm những kỹ năng nghề nghiệp chuyên biệt. Chính những thứ tưởng chừng vô hình nhưng lại rất hữu hình cho những người mẫu trẻ đích thực...
- Lỗi phải chăng từ việc thiếu định hướng với các bạn trẻ nhìn nhận hào quang của nghề này?
- Đây có thể là một kết luận!
- Có rất nhiều cuộc thi người mẫu mở ra. Kết quả của các cuộc thi luôn làm người hâm mộ thất vọng, giới làm nghề ngao ngán. Theo anh, nguyên nhân từ đâu?
- Có thể nói không phải bao giờ khán giả cũng đúng, nhưng không thể phủ nhận có những khán giả rất tinh tường và đặc biệt có những khán giả chuyên hơn cả những người tự cho rằng mình chuyên. Nghĩ sao khi chúng ta chưa có một ban tổ chức chuyên nghiệp, đặc biệt là sự công tâm trong tổ chức. Ngay cả việc tổ chức những cuộc thi cứ na ná như nhau về cách thức do sự "tàn lụi" của ý tưởng sáng tạo. Đó là chưa kể một lời trách dành cho ban giám khảo vẫn chưa thực sự có chính kiến hay hết lòng vì thực tế của cuộc thi mà sự cả nể và sự "đặt để" vẫn tồn tại.
- Rất nhiều người mẫu được tôn vinh trong các cuộc thi. Kinh nghiệm làm nghề quá ít, nhưng lại phát ngôn linh tinh rất nhiều. Và lâu lâu họ lại xuất hiện với công chúng bằng những câu phát ngôn gây sốc, những bộ ảnh nude hay bằng những sự kiện theo kiểu lá cải? Lỗi phải chăng do truyền thông và công nghệ lăng xê?
- Đúng là có không ít bài báo thiếu định hướng hoặc chưa khuôn lại những gì cần khuôn khi tiếp xúc hoặc lăng xê thái quá về giới người mẫu. Nói rất thật là, có một vài bài báo giật những tít nghe điếng cả người, khi viết về một người mẫu nào đó, làm giảm đi giá trị hình ảnh đích thực của không ít người... Còn chuyện tung scandal, thì đó là hư chiêu hay thật chiêu vì việc này còn xem vào động cơ. Tuy nhiên, đó chỉ là những cách thức xây dựng hình ảnh "xổi thời" chứ không thể trụ lại lâu trong lòng công chúng... Đằng sau lời nói là hình ảnh của mình hay ngôn là người là vậy... Ấy thế mà vẫn không ít người mẫu cứ tưởng chừng "ngây ngô" hơn cả ngây thơ... Vấn đề là họ chưa được rèn luyện một cách nghiêm túc, chưa được huấn luyện chuyên biệt về ứng xử, phát ngôn...
- Thường có rất nhiều người mẫu không có được những nền tảng văn hóa tốt nên rất dễ bị rơi vào cạm bẫy. Anh có thể đưa ra một lời khuyên?
- Nền tảng văn hóa đi liền với bản lĩnh. Đó là khả năng giao tiếp - ứng xử, khả năng trò chuyện, khả năng nói không và từ chối... Cạm bẫy vẫn giăng đầy nhưng chính bạn phải tỉnh táo để từ chối thì đó là cái "phông" vững chãi nhất...
Hầu hết chúng ta mới chỉ có các lớp ngắn hạn đào tạo nghề người mẫu mà thiếu những lớp bồi dưỡng nền tảng đạo đức và văn hóa. Tuy nhiên, nếu có những lớp đó thì ai thẩm định những chương trình đào tạo ấy? Những giảng viên đào tạo là ai? Thực chất có thể chúng ta có quyết tâm, say nghề nhưng không thể lấy cơm chấm cơm, càng không thể sống vội, học ẩu... Chặng đường này xem ra cần có sự tham gia của những chuyên viên xã hội, chuyên gia huấn luyện đào tạo... Sự thấm sâu về nghề, một nền tảng văn hóa rộng, khả năng hiểu nghề và dự phòng trong nghề mới là những điều kiện tốt để đào tạo!
- Anh tham gia chấm thi một số cuộc thi người đẹp, người mẫu tuổi teen, cảm giác của anh thế nào? Anh có thấy trăn trở điều gì không?
- Trăn trở vì nhiều bạn trẻ đến với nghề còn hời hợt. Việc tổ chức chưa thực sự chu đáo và chuyên nghiệp... Nhiều thí sinh vẫn cứ nghĩ rằng diễn thật tốt để trở thành người thắng cuộc nhưng họ quên rằng dù là người mẫu thì cốt cách mới là quan trọng...
- Xin cảm ơn anh!